Phát triển Kinh Tế Địa Phương Qua Nghề Làm Đồ Thủ Công

Những đồ thủ công, đồ mây tre đan tưởng chừng giản đơn như hộp đựng ống đũa, giỏ hoa hay giỏ quà… nhưng đối với người dân xã Phú Túc (Phú Xuyên, Hà Nội), đó lại là sinh kế làm giàu kinh tế hộ gia đình và quê hương.

Kế thừa thành công từ truyền thống

Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Yêm đóng gói hàng mây tre đan gửi cho khách hàng.
Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Yêm đóng gói hàng mây tre đan gửi cho khách hàng.

Vượt qua những thời điểm khó khăn trong dịch Covid-19, nhu cầu và sức sản xuất của sản phẩm mây tre đan thủ công ở xã Phú Túc đang hồi sinh mạnh mẽ. Nhiều hộ như gia đình anh Nguyễn Văn Yêm (38 tuổi) sống tại làng Lưu Thượng, xã Phú Túc có thu nhập ổn định, thậm chí xây dựng được cả cơ ngơi nhà xưởng mới trong cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Phú Túc chỉ nhờ nghề mây tre đan thủ công phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

“Lợi thế của gia đình tôi là kế thừa kỹ thuật truyền thống truyền nhiều thế hệ, ngay từ nhỏ đã bắt đầu làm mây tre đan dưới sự chỉ bảo của bố mẹ, ông bà. Các sản phẩm của nhà tôi chủ yếu là những vật dụng đơn giản như ống đựng bát đũa, khay đựng bánh kẹo hoặc giỏ quà Tết bằng các nguyên liệu tự nhiên mây, tre, bẹ ngô, lá buông…”, anh Yêm chia sẻ.

Vài năm trở lại đây, dù không phải là ngành hàng thiết yếu nhưng nhu cầu trang trí bằng các sản phẩm mây tre đan ngày càng cao. Người dân xã Phú Túc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội thị trường, trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường, trong đó có truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy xuất khẩu. Nhiều hộ vừa sản xuất bằng nhân lực trong gia đình, vừa đứng ra thành lập nhà xưởng, đặt hàng thêm các làng thủ công nơi khác mới đủ sản lượng xuất khẩu.

Như trường hợp tại Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương ước tính lượng hàng cung ứng đến từ 13 cơ sở với hơn 100 thợ tại nơi khác như Mỹ Đức, Thái Bình, Ninh Bình… Anh Nguyễn Văn Sơn (53 tuổi), quản đốc trong xưởng sản xuất cho biết: “Công nhân làm tại xưởng chúng tôi thường trực có khoảng trên dưới 20 người. Nếu đi làm đầy đủ thì thu nhập vào khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Công việc trong xưởng không quá nặng nhọc, chủ yếu là khâu hoàn thiện trước khi đi xuất khẩu như cắt tỉa, hong khô vào đáy, dán keo, vào nắp hay xâu tem”.

Dư địa phát triển tiềm năng

Với tâm huyết và sáng tạo, bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã đem sản phẩm thủ công này ra mắt nhiều thị trường lớn và đòi hỏi chất lượng cao như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên trong CCN làng nghề Phú Túc, các cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) lớn như của bà Lương đều sử dụng các nguyên liệu thân thiện như cói, bẹ ngô, mây, tre, giang… Bình quân mỗi năm xuất khẩu hơn 100.000 sản phẩm, trị giá 17-18 tỷ đồng. Mỗi thị trường lại có thị hiếu khác nhau, nên mẫu mã các sản phẩm cũng biến đổi theo từng đơn đặt hàng, từ bát đựng hoa quả, lẵng hoa, chao đèn cho tới thùng đựng, chậu, làn…

Đặc biệt, nhiều sản phẩm của Công ty Hiền Lương như bát gà, thùng sắt bèo tây đã được tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp TP Hà Nội và khu vực phía bắc. Các sản phẩm làm từ guột của công ty nhiều năm liền được bình chọn là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Ba sản phẩm dùng để cắm hoa, trang trí là làn hoa tuyết xách tay; chao đèn; bộ gốm đan bọc guột, mây mới được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận OCOP.

Cơ hội và thách thức trong xuất khẩu 

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, nước ta có tiềm năng xuất khẩu hàng TCMN, có những sản phẩm tốt và những nhà sản xuất có trách nhiệm, thêm vào đó là những cơ hội lớn mở ra từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA. Đi cùng cơ hội là yêu cầu khắt khe hơn từ người tiêu dùng, như việc họ quan tâm hơn đến môi trường và xã hội, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các vấn đề liên quan đến an toàn và sức khỏe, sản xuất sạch – thân thiện với môi trường…

“Đó chính là lý do tại sao tất cả các sản phẩm ở các cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại Phú Túc đều có gắn tem nhãn đầy đủ, có thể truy xuất nguồn gốc. Các nguyên liệu sử dụng đều từ tự nhiên, thân thiện với môi trường và có thể tái chế”, ông Bùi Đức Tuân (45 tuổi), công nhân làm trong xưởng mây tre đan của Công ty TNHH xuất khẩu Phú Tuấn khẳng định.

Một trong những thách thức lớn đối với các làng nghề truyền thống của Việt Nam hiện nay là hiện trạng sản xuất các làng nghề còn chưa tập trung, manh mún, nhỏ lẻ. Nhận thức được vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã có bước đi rất nhanh nhạy và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, đó là thành lập CCN làng nghề Phú Túc. Theo lời kể của anh Yêm, nhiều hộ dân đã tham gia xây dựng nhà xưởng trong CCN để tiện cho việc ô-tô tải vận chuyển sản phẩm, quy mô sản xuất được mở rộng hơn chứ không manh mún, nhỏ lẻ ở từng gia đình trong làng theo lối cũ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *